Áp lực - vẫn bứt phá
Đi qua năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức do nhu cầu tiêu thụ và giá thép xây dựng nội địa suy giảm, nhiều doanh nghiệp thép xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2024 tăng trưởng mạnh, với kỳ vọng lạc quan về thị trường thép năm nay.
Theo dữ liệu trên Trading Economics, sau nhịp hồi phục nhẹ trong nửa cuối năm 2023, từ ngày 21/11/2023 đến 28/2/2024, giá thép thế giới giảm 5,9%, từ 4.019 CNY/tấn về 3.781 CNY/tấn. So với mức đỉnh 5.925 CNY/tấn ngày 8/10/2021, giá thép hiện nay thấp hơn 36,2%.
Nhu cầu yếu của thị trường thép Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản chưa hồi phục, lĩnh vực sản xuất xe điện, hàng tiêu dùng có dấu hiệu dư cung, khiến sản phẩm thép Trung Quốc tiếp tục được xuất khẩu với giá thấp để giảm tồn kho. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới giá thép thế giới giảm và giá thép tại Việt Nam không hồi phục như kỳ vọng, biên lợi nhuận gộp của nhiều doanh nghiệp sản xuất thép cải thiện chậm hơn dự kiến. Ngoài ra, Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép sang các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Philippines khiến các doanh nghiệp thép Việt Nam thêm áp lực cạnh tranh, vì đây cũng là các thị trường xuất khẩu chính.
Mặc dù với áp lực như vậy, tình hình sản xuất và bán hàng 2 tháng đầu năm 2024 của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cụ thể, sản xuất 1,38 triệu tấn thép thô, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023. Bán hàng các sản phẩm thép HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao, phôi thép đạt 1,15 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, thép xây dựng, thép chất lượng cao đạt 575.000 tấn, giảm 2% so với cùng kỳ 2023. Thép HRC đóng góp 542.000 tấn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Ống thép Hòa Phát ghi nhận 88.000 tấn sau 2 tháng; tôn mạ các loại đạt sản lượng 66.000 tấn, chủ yếu nhờ sản lượng xuất khẩu tôn 2 tháng qua tốt hơn so với cùng kỳ 2023.
Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành thép là Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen cũng dự kiến lợi nhuận niên độ tài chính 2023 - 2024 (từ ngày 1/10/2023 đến ngày 30/9/2024) tăng trưởng mạnh so với niên độ trước. Cụ thể, Hoa Sen đưa ra hai kịch bản kinh doanh. Với kịch bản 1, sản lượng tiêu thụ đạt 1.625 nghìn tấn, tăng 13,3% so với niên độ trước; doanh thu dự kiến 34.000 tỷ đồng, tăng 7,4% và lợi nhuận sau thuế dự kiến 400 tỷ đồng, tăng 12,33 lần.
Đáng chú ý, theo Tổng cục Thống kê, tính riêng 2 tháng đầu năm 2024, thép đứng trong top ngành hàng đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên, tăng tới 45,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Dự báo sản lượng tiêu thụ năm 2024 sẽ tăng trưởng 2 con số
Với tín hiệu phục hồi trên, bà Trang Thị Thu Hà, Chánh văn phòng Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dự báo, tiêu thụ thép trong năm 2024 có khả năng đạt gần 21,6 triệu tấn, tăng 6,4% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm dự kiến tăng 12%, đạt gần 13 triệu tấn. Mục tiêu này được đưa ra dựa trên kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng 6 - 6,5% trong năm nay.
Trong báo cáo mới đây của MBS Research, giá thép nội địa năm 2024 dự báo sẽ phục hồi lên mức 15 triệu đồng/tấn (tăng 8% so với năm ngoái) nhờ đà tăng giá thép thế giới và nhu cầu ấm lên ở thị trường Việt Nam. Hàng loạt chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản phục hồi từ giữa năm 2024, nguồn cung căn hộ dự kiến tăng trưởng 20% (theo dự báo của CBRE) sẽ đẩy mạnh nhu cầu và tác động tích cực đến giá thép nội địa. Giá nguyên liệu than và quặng dự kiến giảm nhẹ 7% và 6% so với năm ngoái trong bối cảnh nguồn cung ổn định và nhu cầu sản xuất thép thô của Trung Quốc sụt giảm, cũng tạo lợi thế cho doanh nghiệp sản xuất thép. Giá bán kỳ vọng hồi phục và giá nguyên liệu hạ nhiệt sẽ thúc đẩy biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành.
Đối với các doanh nghiệp ngành thép đều tin tưởng thị trường bất động sản sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2024, tạo ra nhu cầu cho ngành thép
Đơn cử như kết quả kinh doanh năm 2024 của Hòa Phát được Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo sẽ tăng trưởng 22,5% về doanh thu, lên 143.709 tỷ đồng và tăng trưởng 91% về lợi nhuận sau thuế, lên 10.897 tỷ đồng.
Tương tự, VDSC dự báo, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen có thể đạt 36.702 tỷ đồng doanh thu và 847 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong niên độ tài chính 2024 (từ 1/10/2023 đến 30/9/2024), lần lượt tăng 16% và tăng 27,2 lần so với niên độ 2023.
VDSC cho biết, kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép tăng trưởng trong năm 2024 đến từ triển vọng hồi phục của thị trường thép xây dựng nội địa, đồng thời giá thép có khả năng tăng giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp.
Công ty Chứng khoán DSC cũng có đánh giá tích cực về ngành thép khi dự báo, sản lượng tiêu thụ năm 2024 sẽ tăng trưởng 2 con số, bởi các dự án bất động sản sau thời kỳ tái cơ cấu và phê duyệt pháp lý sẽ được thi công trở lại để đón nhu cầu mới trong giai đoạn tới, bên cạnh đó là các dự án đầu tư công được đẩy mạnh triển khai.
Để hỗ trợ cho ngành thép hồi phục và phát triển, các chuyên gia kinh tế đề xuất, Bộ Công Thương cần tiếp tục nghiên cứu, áp dụng phù hợp các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ thị trường thép trong nước. Cùng với đó, cần tăng cường phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành thép để tận dụng cơ hội tại thị trường nội địa từ việc giải ngân vốn đầu tư công đối với các công trình giao thông, xây dựng lớn. Từ đó thúc đẩy nguồn cung sản xuất trong nước, tạo sự tăng trưởng đột phá, phát triển sản xuất thép, vật liệu xây dựng và cơ khí... |
Nguồn tin: Công thương